Bệnh viện Bãi Cháy: Cuộc chiến giành giật sự sống nơi tâm dịch Bình Dương

  • 2021/11/24 08:10

Đã gần 1 tháng trôi qua kể từ ngày Đoàn bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Bãi Cháy ‘tiếp sức, chia lửa’ cùng Bình Dương chống dịch Covid-19. Hằng ngày đối diện với ranh giới sinh tử, họ vẫn đang nỗ lực cống hiến sức trẻ, năng lực chuyên môn, giữ tinh thần lạc quan, vững vàng đồng hành cùng người bệnh trong cuộc chiến giành lại sự sống.

Ngày 9/9/2021, Đoàn thầy thuốc tình nguyện của Quảng Ninh lên đường hỗ trợ tỉnh Bình Dương đã có mặt tại Trung tâm Y tế Thuận An, nơi được chọn là bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 để phối hợp cùng các nhân viên y tế tại đây và Đoàn bác sĩ tình nguyện của Phú Thọ thực hiện điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Đoàn bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy làm việc chủ yếu tại Khoa cấp cứu và Khoa ICU – nơi điều trị những trường hợp F0 nặng, cần cấp cứu, điều trị hồi sức chuyên sâu thuộc tầng 3 của tháp điều trị COVID. 

 

Đoàn y bác sĩ Quảng Ninh tại Bình Dương

Nỗ lực, bền bỉ chiến đấu với 100% sức lực

Từng có thời gian 1 tháng tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 tại Bắc Giang, Bác sĩ Đào Hồng Ngự không khỏi “choáng ngợp” trước tình trạng “quá tải” số lượng bệnh nhân nặng nhập viện tại khoa Cấp cứu và ICU – Trung tâm Y tế Thuận An. Nhưng với kinh nghiệm và kỹ năng tích lũy hơn 15 năm hoạt động chuyên môn, trong vai trò là Trưởng đoàn công tác tại Bình Dương, anh đã nỗ lực cùng đồng nghiệp khắc phục khó khăn, thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh, tích cực hỗ trợ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân với 100% sức lực, tinh thần quyết tâm.

“Tại Khoa cấp cứu, mỗi ngày chúng tôi đón khoảng 10 bệnh nhân có ngày lên đến 15 bệnh nhân. Đa số đều là những bệnh nhân nặng phải thở oxy mask, oxy dòng cao HFNC. Điều đáng nói là tình trạng bệnh nhân suy hô hấp diễn tiến và tử vong rất nhanh, có những ngày có đến 10 bệnh nhân tử vong. Chúng tôi đã phải chạy đua với thời gian, nỗ lực cứu sống người bệnh nguy kịch.”. – Bác sĩ Đào Hồng Ngự, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết.

 

 

Đoàn y tế Quảng Ninh chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm y tế Thuận An

Vỗ rung phổi, theo sát chỉ số sinh tồn của người bệnh, thay bình oxy… là công việc hằng ngày của điều dưỡng Bệnh viện Bãi Cháy tại khoa ICU – Trung tâm y tế Thuận An. Công việc đòi hỏi các điều dưỡng viên phải nhanh nhạy, tập trung quan sát và thao tác nhanh chóng, đúng kĩ thuật để giữ hơi thở sự sống cho người bệnh.

Điều dưỡng Trần Dũng – Khoa TK-VLTL-PHCN chia sẻ: “Đa số bệnh nhân Covid-19 tại đây đều trong tình trạng khó thở, thở kém, phổi bị tổn thương nặng… nên chúng tôi phải thường xuyên vỗ rung phổi, chỉnh tư thế nằm nghiêng cho bệnh nhân dễ thở hơn. Việc thay bình oxy khi chưa có oxy hệ thống trong phạm vi di chuyển 30m đòi hỏi chúng tôi phải thật tập trung, ghi nhớ từng người bệnh, thường xuyên kiểm tra để kịp thời thay mới bình oxy”.

 

 

Các bác sĩ, điều dưỡng như người thân luôn túc trực chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt và động viên người bệnh hằng ngày

 

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của điều dưỡng Bệnh viện Bãi Cháy 

Ở nơi tâm dịch, các chiến sĩ Đoàn công tác Quảng Ninh luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng nghiệp. “Tình đồng chí, đồng đội” vì mục tiêu chung đẩy lùi đại dịch đã gắn kết các bác sĩ, nhân viên y tế mọi miền. Rất nhanh chóng, những bỡ ngỡ khi mới nhập cuộc đã không còn là rào cản. Họ cùng phối hợp nhịp nhàng cứu chữa người bệnh, chia sẻ những khó khăn, động viên nhau vượt lên khó khăn, nỗi nhớ gia đình, quê hương để hoàn thành nhiệm vụ.

Điều dưỡng Nguyễn Diệu Anh – Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ: “Trong tuần đầu thì cá nhân em và các anh chị chưa quen nên có một số khó khăn nhất định nhưng đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhân viên y tế ở đây. Rồi dần sang những tuần tiếp theo thì mọi người đều đã quen với công việc và phối hợp nhuần nhuyễn hơn.

Em là nữ giới nên những công việc nặng nhọc hay nguy hiểm các anh chị trong đoàn và Trung tâm y tế Thuận An đều giúp đỡ, san sẻ, chỉ dạy. Qua 1 tháng không ngắn cũng chẳng dài, tuy có mệt mỏi và rất nhớ nhà nhưng được sống và làm việc cùng anh chị Đoàn Y tế Quảng Ninh em thấy rất vui, ấm áp, và tự hứa sẽ nỗ lực làm việc, trau dồi kinh nghiệm chuyên môn để thêm nhiều người bệnh nữa bình phục”.

Mong manh sinh – tử

Thời gian chiến đấu với đại dịch Trung tâm y tế Thuận An có lẽ sẽ là ký ức khắc sâu nơi tâm khảm của các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Bãi Cháy. Một cuộc chiến không tiếng súng nhưng có những giọt mồ hôi của sự nỗ lực, đấu trí giữa mong manh của sự sống - cái chết, có những giọt nước mắt của sự chia ly, tiễn biệt và có nụ cười hạnh phúc khi cứu thêm một người bệnh khỏi tử thần…

 “Tôi từng chăm sóc một bệnh nhân covid-19 có tình trạng bệnh nền khá giống với người bố đã mất của mình. Bệnh nhân bị bệnh gan, tiểu đường, suy thận, nhồi máu não…Nhìn người bệnh ấy tôi chợt nhớ về thời gian chăm sóc bố tại bệnh viện. Chú ấy không có người nhà, 100% sinh hoạt cá nhân từ ăn uống, vệ sinh đều phụ thuộc vào nhân viên y tế. Trưa hôm đó nhận ca trực, tôi mới đút cháo và thay bỉm vệ sinh cho chú thì rất nhanh thôi đến chiều bệnh nhân đã diến biến tử vong. Cũng chính tay tôi lại bọc thân thể chú vào túi tử thi chuyển về nhà xác. Trải nghiệm ấy khiến tôi không khỏi rưng rưng vì sinh mạng con người quá mong manh trước dịch bệnh.” – Anh Trần Dũng – Điều dưỡng viên Khoa TK-VLTL-PHCN, Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ.

 

Nỗ lực vì hơi thở của người bệnh

“Chứng kiến người bệnh tử vong nhanh chóng dù đã dốc sức cứu chữa, bản thân chúng tôi vô cùng đau xót, hụt hẫng, tiếc nuối và ám ảnh bởi cảm giác “bất lực”. Nhưng ngay sau đó, mọi người động viên nhau phải cố hết sức, thật mạnh mẽ và nỗ lực vì còn rất nhiều người bệnh cần sự chăm sóc, chữa trị của bác sĩ. 

Đến thời điểm này, tình trạng quá tải và số ca tử vong cũng giảm nhiều. Đó là dấu hiệu đáng mừng và là động lực để chúng tôi tiếp tục nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân”. – Bác sĩ Đào Hồng Ngự - Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ. 

Môi trường làm việc khắc nghiệt, thường trực nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Cởi bỏ bộ đồ phòng hộ - vật bất ly thân là những bộ quần áo ướt sũng vì mồ hôi, đôi bàn tay nhăn nheo, gương mặt nhễ nhại, thấm mệt...  Nhưng mỗi thành viên trong đoàn luôn đề cao tinh thần đoàn kết – tương trợ - kỷ luật – đồng tâm để bảo vệ sức khỏe của bản thân, sẵn sàng đồng hành cùng người bệnh chiến đấu với bệnh dịch.

 

Bàn tay của các y bác sĩ sau mỗi ca làm việc

 

Hình ảnh bác sĩ Đào Hồng Ngự - Bệnh viện Bãi Cháy trong bộ đồ phòng hộ

 “Mỗi ca làm việc 8 tiếng, các bác sĩ, chúng tôi phải tuân thủ quy trình phòng hộ và kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tiếp xúc sau giờ làm việc, thực hiện xét nghiệm sàng lọc covid-19 đều đặn vào các ngày thứ 2 và thứ 5 trong tuần. Điều này có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho từng thành viên trong đoàn bởi chỉ khi khỏe mạnh chúng ta mới thực hiện được mục tiêu cứu sống thêm nhiều người bệnh, giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19.” – Bác sĩ Đào Hồng Ngự - Bệnh viện Bãi Cháy cho biết.

Một cuộc chiến đấu với Covid-19 không hẹn ngày về cho đến khi tình hình dịch bệnh được khống chế! Chứng kiến sự sinh li - tử biệt của con người nơi tâm dịch, những nỗ lực thầm lặng của các chiến sĩ áo trắng trên mọi miền đất nước, chúng ta mới trân quý những phút giây yên bình của quê hương trước làn sóng đại dịch. Để bảo vệ thành quả chống dịch của tỉnh Quảng Ninh, trở thành điểm tựa hậu phương vững chắc cho các chiến sĩ trên mặt trận chống Covid-19, mỗi chúng ta hãy nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K và cầu chúc sức khỏe – bình an cho những người con đất mỏ nơi tâm dịch.

Mạc Thảo – Đào Hồng Ngự