“Những bông hồng” Bệnh viện Bãi Cháy trên mặt trận chống dịch Covid-19

  • 2021/11/24 08:07

Không ngại gian khó, nguy hiểm, dũng cảm đối mặt với “sóng dữ” đại dịch Covid-19, những nữ chiến sĩ áo trắng của Bệnh viện Bãi Cháy đã xung phong vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, đồng hành cùng các lực lượng tuyến đầu để giành lại sự sống cho người bệnh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, giữ bình yên cho quê hương.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Thủ tướng chính phủ, Bộ y tế trong những ngày đại dịch bùng phát ở các tỉnh phía Nam, Bệnh viện Bãi Cháy đã hai lần xuất quân chi viện cho TP Hồ Chí Minh (tháng 7/2021) và tỉnh Bình Dương (tháng 9/2021). Trong đó có đến 11 nữ bác sĩ, điều dưỡng tham gia đội tình nguyện vào tâm dịch để chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Đây đều là những nữ bác sĩ, điều dưỡng viên trẻ giàu nhiệt huyết, năng lực chuyên môn vững vàng, mong muốn được góp sức nhỏ bé trên mặt trận chống dịch.

Dù môi trường làm việc tại các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 rất khắc nghiệt với cường độ lao động, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng các nữ chiến sĩ áo trắng vẫn luôn bền bỉ, kiên cường phối hợp cùng các đồng nghiệp nam hoàn thành nhiệm vụ. 

Là người mẹ có hai con nhưng chị Phạm Xuân Mơ – điều dưỡng Khoa Tai mũi họng – Bệnh viện Bãi Cháy vẫn quyết định xung phong vào Bình Dương chống dịch thời điểm dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng tại địa phương này. 

“Khi tôi quyết định xung phong đi Bình Dương đã nhận được sự tiếp sức, ủng hộ từ gia đình, đặc biệt là sự cảm thông, khích lệ của chồng. Hai con gái của tôi rất ngoan, tự lập sinh hoạt, học hành và hiểu được công việc mẹ đang làm. Chưa bao giờ xa mẹ ngày dài, dù rất nhớ mẹ nhưng mỗi khi trò chuyện cùng với mẹ qua điện thoại không khóc, động viên mẹ giữ sức khỏe. Điều đó khiến tôi phần nào an tâm công tác.” Điều dưỡng Phạm Xuân Mơ tâm sự. 

 

Điều dưỡng Phạm Xuân Mơ – Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Bãi Cháy tại Trung tâm y tế Thuận An (Bình Dương)

Nhận nhiệm vụ tại Trung tâm y tế Thuận An – bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Bình Dương, điều dưỡng Phạm Xuân Mơ đã trải qua những ngày tháng lao động “chạy đua cùng tử thần” với 100% sức lực và tinh thần quyết tâm. 

“Hai tuần đầu làm việc ở Khoa ICU, tôi không khỏi choáng ngợp khi có quá nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở oxy mask, oxy dòng cao HFNC… Tất cả bệnh nhân đều cần sự chăm sóc toàn diện của các bác sĩ, điều dưỡng viên từ chăm sóc sức khỏe, ăn uống, vệ sinh cá nhân, … Công việc đòi hỏi chúng tôi phải luôn tập trung theo dõi sát sao chỉ số sinh tồn của người bệnh, vỗ rung phổi, phối hợp nhanh chóng cùng bác sĩ xử trí nhanh các trường hợp diễn biến…

Mỗi lần chứng kiến bệnh nhân không qua khỏi là một áp lực rất lớn, cảm thấy buồn và bất lực khi không thể cứu được bệnh nhân. Nhưng rồi sau đó lại phải vực dậy tinh thần vì còn rất nhiều người bệnh đang cần chúng tôi chăm sóc, điều trị. Sau 1 tháng công tác, tỷ lệ bệnh nhân tử vong giảm dần, tôi cảm thấy vui và coi đó là động lực để bản thân nỗ lực công tác.”

 “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”! Điều dưỡng Trịnh Diệu Anh – Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy là nữ điều dưỡng trẻ tuổi nhất của Đoàn bác sĩ Tình nguyện Bãi Cháy xung phong vào tâm dịch Bình Dương. Đối mặt với ranh giới của sự sống – cái chết, cô em út luôn được các anh chị trong đoàn đùm bọc, giúp đỡ trong những ngày tháng dịch bệnh khốc liệt đã cứng cỏi, kiên cường hơn.  

 

Điều dưỡng Trịnh Diệu Anh – Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy tại Trung tâm y tế Thuận An (Bình Dương)

“Làm việc trong bộ đồ bảo hộ nhiều khi rất mệt, nóng nực, khó thở, mồ hôi mặn chát, mắt cay xè. Ba lớp găng tay y tế gây khó khăn phần nào khi thực hiện thủ thuật cho người bệnh. Mỗi lần thay đồ bảo hộ là quần áo thủ thuật ướt đẫm mồ hôi… Các anh chị cũng gặp khó khăn như em nhưng tất cả đều thích nghi rất nhanh với công việc và nỗ lực cứu chữa cho người bệnh.

Có những ngày tự tay xử lý thi thể của những người bệnh tử vong, em cũng như các anh chị trong đoàn cảm thấy buồn thương, tiếc nuối. Ranh giới của sự sống – cái chết mong manh quá! Nhưng ngay sau đó, mọi người lại động viên nhau trở lại với công việc, tiếp tục chăm sóc và động viên tinh thần người bệnh cố gắng lạc quan, vui vẻ.

Em còn rất trẻ, tâm niệm của em khi vào Bình Dương là muốn góp chút sức nhỏ bé, làm điều ý nghĩa cho xã hội, đất nước. Em không sợ Covid-19, không ngại mọi vị trí công tác khi được giao nhiệm vụ. Nếu việc nào khó quá sức, em sẽ nhờ đến sự giúp đỡ, chỉ dạy của các anh chị đồng nghiệp và em cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ khi mọi người cần”.

Nhớ về ba tháng chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đối với điều dưỡng Nguyễn Hải Hậu – Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Bãi cháy là quãng thời gian không ngắn nhưng đủ dài để lưu giữ kí ức của tuổi trẻ tình nguyện vì sự sống cộng đồng. 

Tại Bệnh viện dã chiến số 12 (Quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) có những ngày tiếp nhận, thu dung đến 1000 người bệnh F0. Những bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Bãi Cháy tình nguyện vào tâm dịch đã phải làm việc cật lực, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau để duy trì hoạt động của bệnh viện dã chiến như điều trị, kế hoạch tổng hợp, sàng lọc…, kịp thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

 

Điều dưỡng Nguyễn Hải Hậu – Khoa Nội Hô Hấp, Bệnh viện Bãi Cháy tại Bệnh viện dã chiến số 12, TP Hồ Chí Minh

Không chỉ theo dõi chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, phát và hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc, tập thở để tăng cường oxy, điều dưỡng Nguyễn Hải Hậu và các đồng nghiệp còn trở thành những người bạn, người thân trong gia đình luôn lắng nghe, chia sẻ, động viên tinh thần giúp người bệnh vơi bớt căng thẳng, lo lắng, có trạng thái tinh thần tốt nhất trong suốt quá trình điều trị.

“Thời gian đầu nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 12, em gặp không ít khó khăn khi phải mặc đồ bảo hộ làm việc liên tục trong 8h đồng hồ. Lượng bệnh nhân đông nên cường độ công việc cao, áp lực nhiều, khó khăn khi giao tiếp với người dân bởi khác biệt giọng điệu vùng miền…Nhưng chỉ sau một tuần nhận được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp tại đây, em đã quen và phối hợp nhịp nhàng hơn. 

Lần đầu tiên xa nhà một thời gian dài, đôi lúc sau giờ làm việc mệt mỏi, hay vào dịp lễ vu lan, trung thu, em từng rơi nước mắt vì nhớ gia đình. Nhưng các anh chị em đồng nghiệp đã động viên, an ủi, tạo tiếng cười giúp em vui vẻ và vơi đi nỗi nhớ nhà. 

Điều làm em hạnh phúc và cảm thấy được tiếp sức đó là được nhìn thấy người bệnh khỏe mạnh xuất viện và đọc những dòng cảm ơn từ họ. 

Tất cả vì miền nam ruột thịt – câu nói em cũng những các thành viên trong Đoàn vẫn nói với nhau để cùng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, giúp TP Hồ Chí Minh chóng khỏe và sớm trở về đoàn tụ với Quảng Ninh”. Điều dưỡng Nguyễn Hải Hậu – Khoa Nội Hô Hấp, Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ.


Ban Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy tặng hoa chúc mừng Đoàn thầy thuốc tình nguyện Bệnh viện Bãi Cháy trở về từ TP Hồ Chí Minh trong sáng ngày 20/10/2021

Không ngại khó khăn gian khổ, môi trường lao động nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, bền bỉ, kiên cường vượt qua mọi áp lực công việc, hi sinh hạnh phúc cá nhân vì mục tiêu giành lại sự sống cho người bệnh, những nữ chiến sĩ áo trắng Bệnh viện Bãi Cháy đã và đang phát huy bản lĩnh, trí tuệ của người phụ nữ hiện đại, góp sức tích cực vào cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), hãy chúc họ sức khỏe, tỏa sáng như những bông hoa hồng làm đẹp cho đời, kiên định thực hiện mục tiêu, lý tưởng và hoàn thành sứ mệnh trở về trong niềm tự hào của gia đình, đồng nghiệp.