Nhận biết và điều trị loãng xương ở người cao tuổi

  • 2024/06/26 07:33

Loãng xương ở người cao tuổi là một bệnh lý thường gặp do quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể. Mức độ nặng nhẹ của bệnh sẽ khác nhau ở mỗi người. Loãng xương là nguyên nhân trực tiếp gây ra các cơn đau, thoái hoá, làm giảm khả năng vận động, ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. 

Loãng xương là một rối loạn chuyển hoá của bộ xương gây tổn thương sức mạch của xương dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Loãng xương ở người cao tuổi (NCT) là một bệnh lý thường gặp do quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể. Mức độ nặng nhẹ của bệnh sẽ khác nhau ở mỗi người. Loãng xương là nguyên nhân trực tiếp gây ra các cơn đau, thoái hoá, làm giảm khả năng vận động của người cao tuổi, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.


Bệnh nhân mắc các bệnh lý xương khớp, trong đó có loãng xương điều trị tại Khoa Lão khoa -Cơ xương khớp, Bệnh viện Bãi Cháy

Nguyên nhân gây loãng xương ở người cao tuổi:

Do quá trình lão hoá tự nhiên của các cơ quan dẫn đến giảm hấp thu Canxi và các chất dinh dưỡng cần thiết để xương khoẻ mạnh, làm suy yếu cấu trúc xương.

Do ít vận động gây nên giảm tái tạo xương, ít ra ngoài tiếp xúc với ánh mặt trời nên giảm hấp thu vitamin D, dẫn đến giảm hấp thu và tăng bài tiết Canxi, dẫn đến tình trạng loãng xương.

Các bệnh lý mạn tính, các bệnh nội tiết, các bệnh xương khớp mạn tính khiến người cao tuổi phải thường xuyên sử dụng thuốc, làm suy yếu khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.

Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm, không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Dấu hiệu nhận biết loãng xương ở NCT có thể nhận biết như sau:

- Đau xương, đau lưng cấp và mạn tính. Đau tăng khi người bệnh vận động, gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi.

- Biến dạng cột sống: gù, vẹo, giảm chiều cao…do các đốt sống gãy lún.

- Đau ngực, khó thở, chậm tiêu do ảnh hưởng đến lồng ngực và thân các đốt sống.

- Gãy xương.

Nếu không được điều trị sớm, loãng xương sẽ gây các biến chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, tàn phế, thậm chí tử vong cho người bệnh. Một số biến chứng của loãng xương hay gặp:

- Đau nhức xương ở cột sống ngực, thắt lưng, chân tay, các khớp do thiếu hụt canxi ngày một tăng làm xương ngày càng xốp loãng. Cơn đau thường tăng về đêm.

- Mất ngủ, trầm cảm, gù vẹo cột sống, gãy xương có thể dẫn đến suy giảm nghiêm trọng khả năng vận động và nguy cơ tàn phế. Gia tăng nguy cơ tử vong.


Đo loãng xương tại Bệnh viện Bãi Cháy

Tại Bệnh viện Bãi Cháy, người bệnh có thể được chẩn đoán tình trạng loãng xương bằng phương pháp đo mật độ loãng xương với hệ thống máy đo loãng xương toàn thân Primus theo phương pháp DEXA MODEL hiện đại nhất hiện nay. Đây là một trong những cách đơn giản để theo dõi tình hình sức khỏe xương khớp và ngăn chặn loãng xương. Thông qua việc đo loãng xương người bệnh có thể phát hiện được những nguy cơ về xương khớp và tiến hành ngăn chặn những nguy cơ đó xảy ra. 

Điều trị loãng xương ở người cao tuổi, thuốc là một trong những biện pháp chính trong điều trị loãng xương. Các loại thuốc điều trị loãng xương hay dùng: thuốc giảm đau, các thuốc bổ sung giúp tái tạo xương (bắt buộc hàng ngày trong suốt quá trình điều trị), các thuốc chống huỷ xương, tăng mật độ xương nhóm thuốc này có khả năng ức chế hoạt động của tế bào tuỷ xương và thúc đẩy quá trình tạo xương.

Ngoài ra, điều trị loãng xương tại Bệnh viện Bãi Cháy còn kết hợp các phương pháp phục hồi chức năng (PHCN) để hỗ trợ điều trị loãng xương ở người cao tuổi, giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao hơn, giảm nguy cơ ngã, tàn phế. Các biện pháp PHCN hay dùng:

- Vật lý trị liệu nhằm giảm đau: túi chườm nóng, kích thích điện thần kinh qua da.

- Vận động trị liệu: vận động sớm ngay sau khi giảm đau với các bài tập thở sâu, các bài tập vận động thể chất cường độ nhẹ như đi bộ và đạp xe, các bài tập đẳng trưởng làm tăng sức mạnh cơ thành bụng có vai trò dự phòng biến dạng gù cột sống.

- Hoạt động trị liệu và sử dụng các dụng cụ chỉnh hình trợ giúp.

Loãng xương có thể phòng ngừa được bằng cách tăng khối lượng đỉnh của xương khi còn trẻ, duy trì mật độ xương và giảm mất xương khi về già.

Biện pháp cụ thể để phòng ngừa loãng xương ở người cao tuổi là chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Người cao tuổi cần thực hiện chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ và phù hợp với nhu cầu cơ thể, đặc biệt bổ sung khoáng chất. Bên cạnh các bữa ăn sáng, người cao tuổi nên uống thêm từ 500-1000ml sữa mỗi ngày, có thể là sữa tươi, sữa chua hay sữa bột. Người cao tuổi nên có chế độ vận động đều đạn, vừa sức và tăng cường các hoạt động ngoài trời. Tập luyện đều đặn giúp chống thoái hoá, tăng cường hoạt động của các tế bào sinh xương, tăng cường hấp thu canxi và protid.

Với người bệnh đang điều trị loãng xương cần có chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý tránh các biến chứng của loãng xương: Tăng cường các bài tập phù hợp với thể trạng như đi bộ, yoga, dưỡng sinh 30-45p/ngày; Nghỉ ngơi hợp lý tránh làm việc nặng để không gây thêm tổn thương cho hệ xương khớp; Hạn chế rượu, bia, đồ uống có ga, thuốc lá và các chất kích thích khác vì chúng sẽ cản trở việc điều trị và làm tình trạng loãng xương ngày càng nghiêm trọng; Bổ sung dinh dưỡng hợp lý đặc biệt là các thực phẩm giàu canxi, vitamin D; Hạn chế muối trong chế độ ăn hàng ngày để tránh làm bệnh loãng xương ngày càng tiến triển trầm trọng.

Mạc Thảo