“Những bông hồng” thầm lặng trên trận tuyến chống Covid-19

  • 2022/03/08 04:08

Không ngại vất vả, nguy hiểm, những nữ bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh Bãi Cháy tại các khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 đã và đang tích cực sát cánh cùng các đồng nghiệp làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân, đồng hành cùng người bệnh trên cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, giành lại sức khỏe, sự sống.

Hai năm qua ghi dấu nhiều kỉ niệm và trải nghiệm đáng nhớ đối với bác sĩ Phạm Thị Thúy Vân – Khoa TK-VLTL-PHCN khi được tham gia chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và nay là Khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 – Bệnh viện Bãi Cháy. Ở tuổi đời 27, mỗi chuyến đi chống dịch giúp chị thêm trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm công tác, vững tin và cứng cỏi bước trên con đường “hành y cứu người”.


Bác sĩ Phạm Thị Thúy Vân tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12, TP Hồ Chí Minh

Những đoàn bệnh nhân nối dài chờ nhập viện bất kể đêm ngày, những chuyến xe cấp cứu chuyển bệnh nhân nặng trong đêm… Bác sĩ Phạm Thị Thúy Vân đã cùng đồng nghiệp trải qua 4 tháng cam go, tất bật, làm việc không ngưng nghỉ, chạy đua với thời gian tại Bệnh viện Dã chiến số 12, TP Hồ Chí Minh để giành lại sự sống cho bệnh nhân trên hành trình chiến đấu cùng Covid -19. 

Cận Tết nguyên Đán 2022, khi mọi người nô nức sắm Tết, quây quần sum họp bên gia đình thì bác sĩ Vân lại cùng các nhân viên y tế Bệnh viện Bãi Cháy xung phong đến khu cách ly tập trung tại TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) để  quản lý, điều trị bệnh nhân Covid-19 trong những ngày số ca F0 tăng cao. Đây cũng là cái Tết thứ hai kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát bác sĩ Vân không về sum họp cùng gia đình, đón khoảnh khắc thiêng liêng của năm mới cùng đồng nghiệp và người bệnh. 


Bác sĩ Phạm Thị Thúy Vân tham gia chống dịch Covid-19 tại TX Đông Triều

Sau 3 tuần làm việc xuyên Tết, số ca mắc mỗi ngày tại Quảng Ninh đã lên tới con số hàng nghìn. Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ, trung bình đến nặng, nguy kịch. Con số bệnh nhân Covid-19 nhập đã lên tới hằng trăm. Bác sĩ Vân tiếp tục nhận nhiệm vụ tại Khu điều trị cách ly số 3 của Bệnh viện Bãi Cháy. Số lượng bệnh nhân nhiều nhập viện trong thời gian ngắn. Nhiều người bệnh cao tuổi hoặc kèm theo bệnh lý nền phức tạp liên quan nhiều chuyên khoa là những thách thức đòi hỏi mỗi bác sĩ phải khám, phân loại mức độ bệnh, phác đồ điều trị hợp lý. 

“Tôi nghĩ bản thân mình còn trẻ. Khi vào TP Hồ Chí Minh chống dịch tôi mong rằng sẽ góp chút sức nhỏ bé làm điều ý nghĩa cho xã hội, đất nước. Hiện tôi đang công tác tại khu điều trị covid số 3 của bệnh viện. Tuy còn trẻ nhưng thời gian tham gia chống dịch tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các anh chị đồng nghiệp. Những lần đi chống dịch cũng giúp tôi tích lũy được nhiều kiến thức quý báu áp dụng cho quá trình làm nghề sau này. Dù 4 tháng qua chưa được gặp gia đình, dù rất nhớ bố mẹ và em gái nhưng nghĩ đến công việc mình đang làm giúp ích cho những người bệnh đang cần đến sự hỗ trợ của mình, tôi lại tâm niệm phải cố gắng hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao”. – Bác sĩ Phạm Thị Thúy Vân chia sẻ.

Điều dưỡng Bùi Thị Thanh Nhàn đã công tác 10 năm tại Khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Bãi Cháy. Từ những ngày đầu đại dịch Covid-19 xuất hiện, Khoa Bệnh Nhiệt Đới là khu cách ly trọng yếu có nhiệm vụ thu dung, điều trị các ca nghi nhiễm/nhiễm Covid-19. Thường xuyên hỗ trợ công tác sàng lọc, phân luồng, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, chăm sóc, điều trị Covid-19, điều dưỡng Thanh Nhàn cùng các đồng nghiệp xác định sẵn sàng phải xa gia đình dài ngày để thực hiện nhiệm vụ. Làm việc trong môi trường lây nhiễm nguy hiểm, đã 3 tuần trôi qua, điều dưỡng Thanh Nhàn chưa thể về đoàn tụ cùng gia đình.

Điều dưỡng Bùi Thị Thanh Nhàn chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng

Đầu năm 2022 đến nay, chị và các đồng nghiệp tất bật chăm sóc cho hàng trăm bệnh nhân Covid-19, trong đó có những ca bệnh nặng, nguy kịch thuộc tầng thứ 3 của tháp điều trị Covid-19.  Có những thời điểm các bác sĩ, nhân viên y tế trong khu cách ly đã phải gồng mình hết sức, phải làm trên 100% công suất thì mới có thể hoàn thành được các công việc. Tuy chia ca đến 12h nhưng không có ai được ăn cơm trưa trước 14h và cơm tối trước 20h.

“Tại khu điều trị cách ly Khoa Bệnh Nhiệt Đới, Công việc hàng ngày của điều dưỡng vào buổi sáng là đo các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, hỏi thăm sức khỏe, nhu cầu ăn uống, phát thuốc, thực hiện thủ thuật tiêm, truyền thuốc…, đón tiếp bệnh nhân mới vào.  Đối với bệnh nhân F0 nặng, nguy kịch được điều dưỡng chăm sóc toàn diện từ sinh hoạt như ăn, ngủ… đến điều trị thuốc men, vệ sinh cá nhân… Khi bệnh nhân được xuất viện thì điều dưỡng sẽ hoàn thành các thủ tục hồ sơ bệnh án, tư vấn giáo dục sức khỏe cho mọi người khi tái hoà nhập cộng đồng… Rất nhiều công việc nối tiếp nhau, có những lúc ai cũng thấm mệt nhưng mọi người đều cố gắng. Đã có rất nhiều nhân viên y tế là đồng nghiệp của tôi mắc Covid-19 nhưng mọi người đều tình nguyện tham gia điều trị, không nghỉ ngơi dù chỉ 1 ngày. 

Dù đã 3 tuần chưa được về bên chồng, con, chỉ có thể nhìn gia đình qua những cuộc thoại ngắn nhưng bản thân tôi thấy rằng phải cố gắng hơn để sớm ngày chiến thắng dịch bệnh”.

Trong các phân khu điều trị cách ly bệnh nhân F0 của Bệnh viện Bãi Cháy, không ít nữ nhân viên y tế như điều dưỡng Bùi Thị Thanh Nhàn đã nhiều ngày tháng không về nhà gặp người thân, ăn bữa cơm sum họp gia đình. Trong số họ có nhiều người đã trở thành F0 nhưng với sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết, họ vẫn cần mẫn với công việc chăm sóc người bệnh mọi ngày, thầm lặng thực hiện nhiệm vụ với mong muốn người bệnh khỏe mạnh hơn mỗi ngày. 

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Uyên, Khoa Lão Khoa - Cơ xương khớp, Bệnh viện Bãi Cháy đang mắc Covid-19 vẫn tham gia điều trị F0

“Tết đến mọi người được ở bên gia đình sau một năm lao động xa nhà nhưng bản thân em khi ấy đang tham gia điều trị bệnh nhân F0 tại TX Đông Triều. Dù rất nhớ nhà nhưng mọi người đều động viên nhau, mong rằng bệnh nhân sẽ sớm khỏi bệnh trở về cùng gia đình. Khi mắc covid-19 trong qua trình chống dịch nhận thấy bản thân chỉ bị triệu chứng nhẹ trong khi số lượng người bệnh nhập viện tăng mỗi ngày, các đồng nghiệp làm việc với cường độ cao, vất vả, em đã xin Ban Giám đốc được tham gia hỗ trợ các đồng nghiệp chăm sóc, điều chị bệnh nhân. Tất cả các anh chị em đều nỗ lực, cố gắng vì mục tiêu giúp bệnh nhân sớm khỏe mạnh, tái hòa nhập cộng đồng”. - Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Uyên, Khoa Lão Khoa - Cơ xương khớp, Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ.


Trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 còn kéo dài và diễn biến phức tạp, “phẩm chất kiên cường, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam” đã được các chị em phụ nữ ngành y phát huy, tỏa sáng mạnh mẽ. Vượt qua những bận rộn, áp lực trong cuộc sống, đối mặt với nguy hiểm của dịch bệnh chết người, các nữ bác sĩ, nhân viên y tế đã gác lại hạnh phúc riêng, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đem lại sức khỏe, nối dài sự sống, mang đến nụ cười cho người bệnh. Sự hi sinh hạnh phúc cá nhân của họ và gia đình đã mang đến bình yên cho quê hương trước sóng dữ đại dịch.  

Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, cùng chúc các nữ bác sĩ, nhân viên y tế Ngành y nói chung và Bệnh viện Bãi Cháy nói riêng sức khỏe, tỏa sáng như những bông hoa hồng làm đẹp cho đời, kiên định thực hiện mục tiêu, lý tưởng, hoàn thành sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ nhân dân.

Mạc Thảo