Xử lý nghiêm đối với mọi vi phạm về lĩnh vực thực phẩm chức năng

  • 2025/05/27 01:36

Liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc giả, sữa giả, kém chất lượng mới được phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian vừa qua, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện để làm rõ về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực thực phẩm chức năng trên địa bàn Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh.

- Thời gian vừa qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng có những phản ánh, thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc giả, sữa giả, kém chất lượng. Ông có thể cho biết về thực trạng những hoạt động trên tại Quảng Ninh hiện nay?

+ Với lĩnh vực dược, trên địa bàn tỉnh hiện có 919 cơ sở kinh doanh được Sở Y tế thẩm định cấp phép hoạt động theo quy định. Kết quả kiểm tra cho thấy các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh không kinh doanh các mặt hàng thuốc giả, sữa giả theo thông báo của Bộ Y tế. Trung tâm kiểm nghiệm đã thực hiện kiểm nghiệm các mẫu kiểm tra và đều đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. 

Với lĩnh vực an toàn thực phẩm, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 52.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Phần lớn cơ sở thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình; thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp đa dạng, phong phú cả trong tỉnh, ngoài tỉnh và nguồn nhập khẩu, nên việc kiểm soát an toàn thực phẩm luôn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ riêng tại Quảng Ninh mà ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc, tình trạng này là khá phổ biến và xuất phát từ nhiều lý do, như thói quen tiêu dùng sản phẩm thực phẩm chức năng của người dân, ý thức chấp hành đơn thuốc của bệnh nhân còn tuỳ tiện; công tác hậu kiểm còn nhiều bất cập, nhân lực đi hậu kiểm mỏng; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa tạo sức răn đe...

-  Sở Y tế đã và đang có giải pháp gì để tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

+ Thời gian qua, ngay khi có thông tin liên quan đến thuốc giả, sữa giả từ các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Y tế đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cùng vào cuộc để kiểm tra, giám sát, xử lý. Đồng thời, đoàn kiểm tra liên ngành, trong thành phần có lực lượng công an đã tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất, lấy mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nghi ngờ để kiểm nghiệm chất lượng tại một số cơ sở kinh doanh dược trong tỉnh. 

Qua các đợt kiểm tra, đối với lĩnh vực dược, tính đến hết ngày 8/5/2025 toàn tỉnh đã tổ chức 14 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 204 cơ sở kinh doanh dược; lấy 221 mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ để kiểm tra chất lượng. Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện cơ sở có kinh doanh các mặt hàng giả theo thông báo của Bộ Y tế; kết quả kiểm nghiệm các mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đều đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. 

Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, các đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Y tế và phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh. Ngành y tế sẽ xử lý, hoặc đề xuất xử lý nghiêm theo đúng quy định khi phát hiện các cơ sở có hành vi vi phạm. 

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế kiểm tra hoạt động các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh.

- Ông có khuyến cáo gì đến người dân khi sử dụng các loại sữa, thuốc, thực phẩm chức năng?

+ Khi có nhu cầu mua, sử dụng thực phẩm chức năng, sữa, thuốc, ngành y tế có một khuyến cáo quan trọng nhất tới người dân, đó là “Hãy là người tiêu dùng thông thái”. Nên mua hàng ở cơ sở uy tín, như: Các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp đã được Sở Y tế thẩm định, cấp giấy phép hoạt động theo đúng quy định. Chỉ mua mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hợp pháp, có uy tín. Tránh mua hàng trôi nổi, xách tay không rõ nguồn gốc, mua qua kênh online trên các trang mạng xã hội. Cần kiểm tra kỹ thông tin: Tem chống giả, mã QR truy xuất nguồn gốc; hạn sử dụng, thành phần, đối tượng sử dụng trên bao bì; giấy công bố chất lượng (với thực phẩm chức năng) và số đăng ký lưu hành (với thuốc).

Tuyệt đối không tin vào quảng cáo "thần kỳ": Cảnh giác với các lời quảng cáo như "chữa khỏi bách bệnh", "giảm cân siêu tốc", "không tác dụng phụ". Tham khảo ý kiến chuyên gia. Tuân thủ hướng dẫn tại tờ thông tin đi kèm sản phẩm, không tự ý tăng/giảm liều. Không lạm dụng thực phẩm chức năng, chỉ dùng khi cơ thể thiếu hụt dưỡng chất và có chỉ định từ chuyên gia. Theo dõi phản ứng cơ thể, ngừng ngay sản phẩm nếu xuất hiện dị ứng, mẩn ngứa, đau bụng, chóng mặt... và báo cho cơ sở y tế.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Sở Y tế khuyến cáo người dân khi phát hiện các cơ sở có dấu hiệu kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhập lậu, hoặc nghi ngờ là giả, thì thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn, hoặc thông báo về Sở Y tế qua đường dây nóng được công bố trên website của Sở Y tế để điều tra, xác minh và xử lý theo quy định.

- Xin cảm ơn ông!

Ngọc Trâm - Trung tâm TT tỉnh Quảng Ninh