Biến chứng nguy hiểm của bệnh gút – Hậu quả nặng nề

  • 2022/03/18 03:49

Gút là bệnh lý do sự rối loạn chuyển hóa nhân purin, làm tăng acid uric trong máu, dẫn đến lắng đọng các tinh thể urate ở các mô. Gút biểu hiện bằng những đợt viêm khớp cấp tính và sau đó tiến triển thành mãn tính.

Là một trong những bệnh về xương khớp phổ biến nhất, trên thế giới bệnh Gút thường gặp ở các nước phát triển và đang phát triển, chiếm khoảng 0,02 - 0,2% dân số, nam giới chiếm chủ yếu trên 95% và ở độ tuổi thường từ 30 tuổi trở lên. Tại việt nam bệnh gout chiếm khoảng 1/3 tổng số lượng người bệnh đến khám các vấn đề về xương khớp, đứng thứ 4 trong số 15 bệnh về khớp hay gặp. 

Hiện nay, đa số người mắc Gút thường xem nhẹ tình trạng bệnh, cho rằng bệnh gout không nguy hiểm bằng các bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… nên không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Nhiều người bệnh chỉ dùng thuốc khi có các triệu chứng sưng đau khớp. Sau đó khi thấy các triệu chứng cải thiện thì tự ý bỏ thuốc.


Bệnh nhân bị gout biến chứng điều trị

Nguyên nhân gây bệnh 

Nguyên nhân gây bệnh Gút chính là do acid uric máu cao, được gọi là tăng acid uric máu khi nồng độ acid uric máu vượt quá giới hạn tối đa của độ hòa tan của urat trong huyết tương, cụ thể là: Trên 420 µmol/l đối với nam, trên 360 µmol/ đối với nữ.

Nguyên nhân gây ra tăng acid uric máu có 3 loại như sau:

+ Gút nguyên phát (đa số là gặp loại này): Loại này thường có yếu tố gia đình, khởi phát thường do ăn quá nhiều thức ăn chứa nhân purin và thường kèm theo uống quá nhiều rượu. Thường gặp chủ yếu ở nam giới tuổi trung niên và số ít là nữ ở tuổi sau mãn kinh.

+ Gút thứ phát: Là hậu quả của tăng acid uric máu do tiêu tế bào quá mức (bệnh bạch cầu thể tủy mạn tính, thiếu máu huyết tán, bệnh vẩy nến diện rộng…) hoặc do suy thận.

+ Gút do bất thường về enzym: Do thiếu hụt hoàn toàn hoặc một phần enzym HGPRT, là enzym tham gia vào quá trình chuyển hóa acid uric, gây ra bệnh Gút khởi phát sớm ở trẻ em (rất nặng và hiếm gặp).

Một số yếu tố nguy cơ của bệnh Gút:

+ Giới tính: Đa số bệnh nhân Gút là nam giới (ở Việt nam trên 99%), điều này có thể do nam giới có lối sống, chế độ ăn nhiều chất đạm, giàu purin, rượu, bia, thuốc lá…

+ Tuổi mắc bệnh: chủ yếu gặp ở lứa tuổi 30-50 (nam giới). Nữ giới sau mãn kinh.

+ Thói quen uống rượu bia: Liên quan giữa rượu, bia và bệnh Gút đã được nói đến từ thời xa xưa, trong đó bia là yếu tố nguy cơ mạnh nhất với bệnh Gút. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có tới 75-84% bệnh nhân Gút uống rượu bia thường xuyên trung bình từ 7-10 năm.

+ Béo phì: Một số nghiên cứu thấy rằng những người thừa cân, béo phì thì bị tăng nguy cơ mắc bệnh Gút gấp 5 lần bệnh nhân không bị béo phì.

+ Tăng acid uric liên quan tới một số bệnh rối loạn chuyển hóa khác: Bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu…

+ Di truyền: đừng quên rằng bệnh gút cũng có thể di truyền. Nếu gia đình bạn có nhiều người bị gút thì nguy cơ mắc bệnh là rất cao. Người ta thấy rằng những một số người bẩm sinh có một loại gen khiến cơ thể sản sinh ra nhiều acid uric hơn so với bình thường.


 Tăng acid uric liên quan tới một số bệnh rối loạn chuyển hóa

+ Do ảnh hưởng của một số loại thuốc làm giảm thải acid uric qua thận, rối loạn chuyển hóa acid uric: Thuốc lợi tiểu thiazid, furosemid, aspirin, thuốc chống Lao như pyrazynamid…

Bệnh gút nguy hiểm như nào nếu không được chữa trị kịp thời?

Nếu không được điều trị phù hợp, người bệnh sẽ dễ bị biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động, thậm chí dẫn tới tàn phế làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống.

Khi những hạt tophi bị vỡ, nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập rất cao và gây ra viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết.

Ngoài ra, bệnh gout còn gây ra sỏi thận, suy thận và ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan khác trong cơ thể.

Bên cạnh đó, có nhiều bệnh nhân sử dụng các thuốc giảm đau một cách bừa bãi dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột tử.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để ngăn ngừa gút, bạn hãy thay đổi thói quen ăn uống ngày từ bây giờ, có lối sống lành mạnh, giảm cân, tập thể dục điều đặn, uống nhiều nước, tránh rượu bia, thuốc lá, tránh thức ăn chứa nhiều đạm động vật như nội tạng động vật, thịt bò, hải sản…. Nếu đã mắc bệnh rồi, bạn hãy đến thăm khám bác sĩ để được tư vấn điều trị một cách có hiệu quả nhất và luôn nhớ phải tuân thủ chỉ định do bác sĩ đề ra để có thể "sống chung" với căn bệnh này một cách an toàn, tránh phát sinh vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Minh Khương