Hen phế quản: Hiểu đúng để sống khỏe – Điều trị hiệu quả, phòng ngừa chủ động

  • Hôm nay 09:03

Ngày Hen toàn cầu là sự kiện thường niên do Sáng kiến Toàn cầu về bệnh Hen phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới phát động, được tổ chức vào thứ 3 đầu tiên của tháng 5. Chủ đề của Ngày Hen toàn cầu năm 2025 là “Hành động để các phương pháp điều trị dạng hít có thể tiếp cận được với tất cả mọi người”. Thông điệp này nhấn mạnh sự cần thiết của việc thu hẹp khoảng cách trong chăm sóc sức khỏe cho người bệnh Hen, đảm bảo mọi người, bất kể địa vị, điều kiện kinh tế hay khu vực sinh sống đều được tiếp cận phương pháp điều trị hiệu quả, đặc biệt là các loại thuốc hít dạng steroid liều thấp. 


Bệnh nhân hen phế quản điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy

Hen phế quản: Nguyên nhân và triệu chứng

Hằng năm, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận và quản lý điều trị từ 100-150  bệnh nhân mắc bệnh hen phế quản. Hen phế quản (còn gọi là hen suyễn) là bệnh lý đường hô hấp mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở gây co thắt phế quản, phù nề và tăng tiết dịch nhầy ở đường thở khiến bệnh nhân bị khó thở, thở khò khè, ho kéo dài từng cơn, nhất là vào ban đêm và sáng sớm. Có rất nhiều tác nhân khởi phát cơn hen phế quản trong đó các tác nhân dị ứng là nguyên nhân thường gặp nhất, như:

Dị nguyên đường hô hấp: thường là bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá… Cũng có thể là những chất trong công nghiệp như: bụi kim loại, khói xăng dầu, hơi sơn,…

Dị nguyên thực phẩm: các loại hải sản (tôm, cá, sò,… ), trứng, thịt gà, lạc.

Thuốc: Một số loại thuốc cũng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen, như aspirin, penicillin,…

Tác nhân nhiễm khuẩn: Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amiđan,… là một trong những nguyên nhân gây ra cơn hen ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng.

Bên cạnh đó cũng có thể kể đến các tác nhân không dị ứng như di truyền (Gia đình có người bị hen phế quản); Yếu tố tâm lý (tình trạng lo âu, căng thẳng, sang chấn tâm lý),..”

Hen phế quản thường có một số triệu chứng báo trước như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan hoặc buồn ngủ. Triệu chứng khi phát bệnh phổ biến nhất là ho, khó thở thành cơn về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết. Cơn khó thở kéo dài 5-15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Sau đó giảm dần và kết thúc là một trận ho và khạc đờm dãi. Đờm dãi màu trong quánh và dính. Sau cơn hen thì hết các triệu chứng hoặc khi thở ra, có tiếng cò cử mà bản thân bệnh nhân và người khác cũng nghe thấy. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần đặc biệt là khi thời tiết giao mùa. Đáng chú ý, bệnh diễn biến nhanh và có thể gây tử vong nếu không theo dõi và xử trí kịp thời.

Chẩn đoán và điều trị hen phế quản

 Tại Bệnh viện Bãi Cháy, người bệnh hen phế quản sẽ được bác sĩ thăm khám, khai thác các yếu tổ về tiền sử, diễn biến của các triệu chứng để đưa ra chẩn đoán chính xác, loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm đường hô hấp…Bệnh nhân có thể được thực hiện các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu như:

- Đo chức năng hô hấp: Bệnh nhân sẽ được đo chức năng hô hấp trước và sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản (nghiệm pháp hồi phục phế quản). Nếu chức năng phổi cải thiện sau khi dùng thuốc giãn phế quản thì bệnh nhân có khả năng cao bị hen phế quản.

- Chẩn đoán hình ảnh: X-Quang ngực hay CT Scanner để loại trừ những bệnh lý không do hen như u khí – phế quản, dị vật phế quản...

- Một số xét nghiệm khác đề chẩn đoán tác nhân gây ra cơn hen cấp tính hoặc hen khó kiểm soát dự phòng...


Mục tiêu dài hạn của điều trị hen là kiểm soát tốt triệu chứng hen và duy trì khả năng hoạt động bình thường

Hen phế quản rất nguy hiểm, diễn biến nhanh có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Người bệnh khi lên cơn hen không thể hít đủ không khí để cung cấp oxy cho cơ thể. Nếu không có thuốc cắt cơn hen hoặc không được can thiệp cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp, hôn mê, mất ý thức, thậm chí tử vong. Bác sĩ CKI Phạm Thị Út Trang – Phó Trưởng Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Hen phế quản là bệnh lý mạn tính kéo dài nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh thông qua thuốc điều trị dự phòng. Việc kiểm soát tốt hen phế quản sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng, giảm gánh nặng chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.  

Mục tiêu dài hạn của điều trị hen là kiểm soát tốt triệu chứng hen và duy trì khả năng hoạt động bình thường; Giảm thiểu nguy cơ trong tương lai gồm tử vong do hen, đợt cấp, giới hạn luồng khí dai dẳng và tác dụng phụ của thuốc. Theo đó, Liệu pháp điều trị bằng thuốc gồm: thuốc kiểm soát cơn hen tác dụng nhanh (thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn, thuốc kháng cholinergic, corticoid đường uống…), thuốc kiểm soát cơn hen dài hạn(corticoid dạng hít, thuốc giãn phế quản, thuốc kháng Leukotriene, thuốc vận chủ beta tác dụng dài dạng hít, thuốc đường hít kết hợp) “

Dự phòng hen phế quản

Tuy không tuyệt đối, nhưng việc dự phòng sự xuất hiện của cơn hen là điều hoàn toàn có thể. Theo Bác sĩ CKI Phạm Thị Út Trang – Phó Trưởng Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy, đối với những người có nguy cơ cao bị hen (tính chất gia đình, cơ địa dị ứng...), nên tránh tiếp xúc với những chất dễ gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá; người bị hen do gắng sức hoặc do thuốc tuyệt đối không vận động quá sức hoặc dùng lại những thứ thuốc mà trước đó đã khởi phát cơn hen; dự phòng các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên cũng cần thiết ở người đã từng bị hen và việc này càng nên được chú ý vào mùa lạnh; duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, luyện tập thể lực nhẹ nhàng, chế độ dinh dưỡng tốt cũng góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa sự khởi phát của cơn hen.


Người bệnh hen phế quản phải chú ý giữ gìn sức khỏe, nhất là khi giao mùa

Ở những người có nguy cơ cao hơn, nên sử dụng phác đồ thuốc dự phòng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để dự phòng cơn hen. Người có tiền sử mắc bệnh hen phế quản cần chủ động tiêm phòng cúm, phế cầu đầy đủ trước mỗi đợt thay đổi thời tiết.

Trường hợp trẻ em hoặc những người gặp vấn đề khi sử dụng dạng hít, xịt có thể sử dụng dạng khí dung. Việc sử dụng thuốc nên lặp lại sau 20 phút nếu tình trạng khó thở không giảm. 

Nếu người bệnh tiếp tục khò khè, khó thở sau điều trị hoặc có triệu chứng của cơn hen ác tính (khó thở tăng dần, cơn hen không dứt, khó nói do khó thở…)  thì cần gọi ngay cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời.

Hen phế quản là bệnh liên quan nhiều đến việc thay đổi thời tiết, môi trường sống. Vì vậy, người bệnh hen phế quản phải chú ý giữ gìn sức khỏe, nhất là khi giao mùa, thời tiết lạnh dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, virus, cảm cúm... làm phế quản co thắt dẫn đến cơn hen cấp. 

Hen phế quản có thể kiểm soát tốt nếu được điều trị đúng cách, theo dõi chặt chẽ. Chỉ dùng thuốc cắt cơn khi có cơn hen và sử dụng thuốc dự phòng đều đặn ngay cả khi không còn triệu chứng của hen, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. 

Mạc Thảo