Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư phổi

  • 2022/11/15 03:13

Tại Việt Nam ung thư phổi đứng hàng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Nhưng nếu phát hiện sớm thì bạn có thể có phương pháp điều trị hiệu quả hơn rất nhiều.

Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn, chiếm tỷ lệ khoảng 12% tổng số ung thư các loại tính chung trên toàn thế giới


1.Các yếu tố gây nguy cơ ung thư phổi

Ung thư phổi chiếm ưu thế ở nam giới 50-75 tuổi. Tại các nước phương Tây, tỷ lệ ung thư phổi ở nam giới của vài quốc gia những năm gần đây không gia tăng trong khi tỷ lệ ung thư phổi có chiều hướng gia tăng ở phụ nữ.

Tỷ lệ ung thư phổi thay đổi tùy theo vùng địa lý trên thế giới. Các nước châu Phi có tỷ lệ thấp hơn 5%. Tỷ lệ này khoảng 5-10% ở châu Á và Nam Mỹ. Châu Âu và Bắc Mỹ có tỷ lệ ung thư phổi cao nhất 10-15%.

Đa số ung thư phổi xuất hiện ở những người đã và đang hút thuốc lá (80%) cộng thêm 5% ước tính do hậu quả của sự tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Mức độ nặng nhẹ của sự tiếp xúc với khói thuốc tùy thuộc vào số năm mà người đó đã hút thuốc, số điếu thuốc hút trong ngày và phần nhựa có trong điếu thuốc. Có 10 đến 13% người nghiện thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi với một thời kỳ tiềm ẩn từ 30 đến 40 năm tính từ lúc mới bắt đầu hút thuốc cho đến khi xuất hiện ung thư phổi.


Hút thuốc lá gây ung thư phổi

Công nhân làm ở mỏ phóng xạ uranium, mỏ kền, mỏ cromate, công nhân làm việc trong một số ngành nghề có tiếp xúc amiant, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Ngoài ra, ung thư phổi xảy ra trên những sẹo xơ là vấn đề đã đề cập khá nhiều. Các sẹo xơ thường là do lao, nhồi máu phổi, viêm phổi hoặc bệnh bụi phổi. Cơ chế gây bệnh chưa rõ nhưng người ta cho rằng sự xơ hóa làm tắc nghẽn mạch bạch huyết gây tích tụ các chất sinh ung có thể dẫn đến ung thư.

Ô nhiễm không khí: do hơi đốt ở gia đình, xí nghiệp, hơi xả ra từ các động cơ.
Di truyền: chưa được chứng minh, nhưng có thể có yếu tố gia đình liên quan đến một số đột biến gene.

2. Những dấu hiệu sớm phát hiện ung thư phổi


2.1. Ho kéo dài

Biểu hiện hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài nhưng rất nhiều người hay chủ quan nghĩ rằng ho do viêm họng. Thực tế cho thấy khoảng 50-70% các trường hợp ung thư phổi có biểu hiện ho và đa phần người bệnh không được điều trị khỏi bằng các biện pháp điều trị thông thường.

Tuy nhiên, ho là một biểu hiện rất không đặc hiệu và cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có thể là ho do dị ứng, hen suyễn, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm phế quản cấp, tiếp xúc với bụi và hóa chất…Vì vậy, ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và uống thuốc không đỡ thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.

2.2. Khó thở, khàn tiếng

Ung thư phổi ở giai đoạn sớm người bệnh thường có biểu hiện khó thở, thở khò khè, giọng nói cũng thay đổi và trở nên khàn giọng… tuy nhiên nhiều người cho rằng làm việc quá sức, hoặc mắc bệnh viêm họng, cảm cúm nên dẫn đến tình trạng này. Trên thực tế, các biểu hiện trên có thể là triệu chứng báo hiệu có khối u phát triển trong phổi gây cản trở việc hô hấp.

2.3. Người mệt mỏi, đau nhức cơ

Các biểu hiện thông thường khiến nhiều người chủ quan là dễ mệt mỏi, đau nhức cơ. Với biểu hiện thường ngày nhiều người cho rằng liên quan đến công việc nặng nhọc, đi lại nhiều, căng thẳng… nên rất dễ bỏ qua. Trong khi các biểu hiện này rất có thể mắc các bệnh nghiêm trọng trong đó có ung thư phổi. Nguyên nhân chính là các chất do các tế bào ung thư sản sinh ra sẽ trực tiếp tác động đến quá trình trao đổi oxy, sản xuất máu và kiểm soát quá trình phòng thích năng lượng cơ thể.

2.4. Giảm cân không rõ nguyên nhân và nhiễm trùng thường xuyên

Đột ngột giảm cân không rõ nguyên nhân không liên quan đến việc bạn cắt giảm calo hoặc tập thể dục thì rất có thể là do bệnh tật nguy hiểm trong đó có ung thư phổi. Nhiễm trùng thường xuyên có thể báo hiệu ung thư vì tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến đường hô hấp, dẫn đến các bệnh như viêm phế quản hoặc một số bệnh nhiễm trùng khác tái phát liên tục.

Ngoài ra người bệnh còn có những dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn đầu ít gặp hơn như: Cảm thấy khi ăn nuốt khó; Thay đổi hình dạng màu sắc của ngón tay và móng tay; Da hơi nhợt nhạt; Tắc nghẽn mạch máu ở vùng mặt.

Ở giai đoạn muộn hơn chút thì ung thư phổi có thể gặp là: Khàn tiếng kèm theo nuốt khó, nuốt đau, nuốt nghẹn kéo dài, liên tục; Phù mặt tăng dần, kèm theo đau đầu, chóng mặt, tím mặt; người bệnh hay hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh.

Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm lại không có bất cứ triệu chứng gì. Vì vậy, cần đi khám để phát hiện và sàng lọc sớm ung thư phổi nếu thấy mình hoặc người thân trong gia đình có một hoặc nhiều triệu chứng nêu trên.

3. Phân loại ung thư phổi


Phân giai đoạn ung thư phổi giúp xác định phương thức điều trị ung thư phù hợp và tiên lượng bệnh.

Ung thư phổi hầu hết là ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia 4 giai đoạn:

+ Giai đoạn I: Khối u không lớn, chưa có di căn.

+ Giai đoạn II: Kích thước u không lớn hoặc tương đối lớn kết hợp với có di căn vào 1 hạch bạch huyết của phế quản – phổi.

+ Giai đoạn III: Khối u đã di căn khỏi giới hạn của phổi hoặc khối u có kèm theo di căn nhiều vào các hạch bạch huyết ngoại vi.

+ Giai đoạn IV: Khối u lan rộng vào các cơ quan lân cận và xâm nhiễm rộng tại chỗ, hoặc đã có di căn đi xa.

4. Chẩn đoán chính xác ung thư phổi.

Sau khi khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm một số chẩn đoán nhằm xác định ung thư hay không, giai đoạn mấy… để từ đó đưa ra phác đồ thích hợp để điều trị.


Chụp cắt CT để chẩn đoán ung thư phổi tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Các phương pháp chẩn đoán thường được áp dụng là: Chụp X quang lồng ngực thường được sử dụng để chẩn đoán ung thư phổi. Trên phim chụp X quang phổi thường có thể phát hiện được các đám mờ bất thường ở phổi. Tiếp đến là chụp cắt CT lồng để chẩn đoán ung thư phổi và đặc biệt có giá trị trong việc xếp giai đoạn đối với các hạch của trung thất và của rốn phổi.

Ngoài ra, còn có soi phế quản, soi trung thất …để chẩn đoán xác định ung thư phổi. Ngày nay việc xét nghiệm các chỉ điểm để chẩn đoán, chỉ định điều trị có thể thực hiện bằng cách lấy máu làm xét nghiệm. Xét nghiệm trực tiếp khối u thường có nhiều ưu điểm hơn so với gián tiếp qua lấy máu nhưng lấy máu luôn dễ dàng hơn và có vài ưu điểm riêng.

5. Điều trị

Tùy từng giai đoạn của ung thư phổi các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp, các phương pháp được áp dụng trong điều trị ung thư phổi bao gồm: 

- Phẫu thuật – cắt một phần hay một thùy phổi. Thậm chí có trường hợp cắt hai thùy hay cả phổi một bên. Thường áp dụng cho bệnh nhân giai đoạn sớm, khối u còn khu trú.

- Xạ trị –  là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hóa có năng lượng cao để điều trị.

- Hóa chất – dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Đôi khi, bạn sẽ phải truyền hóa chất trước khi phẫu thuật.

- Điều trị đích – chỉ tác động đến tế bào ung thư, không diệt các tế bào lành.

- Với ung thư phổi không tế bào nhỏ – giai đoạn sớm, thường sẽ được mổ trước, sau đó có thể điều trị hóa chất, xạ trị, hoặc ra viện theo dõi. Giai đoạn muộn hơn, bạn có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau như hóa chất, xạ trị, đích, chăm sóc triệu chứng. 

6. Phòng ngừa ung thư phổi

Bỏ thuốc lá:  Độ tuổi bắt đầu hút thuốc, thời gian hút thuốc, số lượng điếu thuốc hút mỗi ngày, chủng loại thuốc lá… đều có mối liên quan chặt chẽ đến ung thư phổi. Hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư, bỏ thuốc lá có thể giảm rõ rệt tỷ lệ mắc ung thư phổi.

Tỷ lệ mắc ung thư phổi của người hút thuốc lá so với những người không hút cao hơn gấp 10 lần. Do đó việc cần nhấn mạnh đầu tiên để phòng tránh ung thư phổi là bỏ thuốc lá và cũng tránh xa những làn khói thuốc xung quanh.

Tập thể dục thường xuyên: Các vận động thể lực kể cả các hoạt động đơn giản như làm vườn 2 lần 1 tuần có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.

Chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả: Phòng tránh ung thư phổi nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi. Hãy ăn các loại rau đa dạng, nhiều màu sắc khác nhau như súp lơ, rau chân vịt, hành, táo, cà chua, cam… Những thực phẩm này không chỉ có thể phòng bệnh hiệu quả mà còn rất tốt cho những bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch vành…

Tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng: Đối với những công nhân làm việc trong môi trường rò rỉ hóa chất cũng phải áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả, tránh hoặc giảm tối thiểu việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư.

Tóm lại: Ung thư phổi, nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng, người bệnh ung thư phổi ở giai đoạn đầu chữa khỏi chiếm tỷ lệ cao..

Hiện tại Bệnh viện Bãi Cháy  đã triển khai đầy đủ phương pháp khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư Phổi. Quý khách hàng có thể  đặt lịch khám qua tổng đài CSKH: 1900.96.96.94 hoặc đăng ký trực tuyến qua  http://benhvienbaichay.vn/ hoặc qua Zalo.

Minh Khương