Phương pháp tầm soát các loại ung thư hay gặp

  • 2023/01/30 08:31

Tầm soát ung thư nhằm phát hiện ra các mầm bệnh ung thư nguy hiểm đang ẩn chứa bên trong cơ thể. Được thực hiện bằng phương pháp chẩn đoán qua hình ảnh, xét nghiệm và qua các triệu chứng khác. Giúp phát hiện kịp thời các bệnh ác tính để có hướng xử trí tốt nhất, dưới đây là một số loại ung thư phổ biến và phương pháp tầm soát hiệu quả.

1. Tầm soát ung thư dạ dày 


Nội soi siêu âm tầm soát ung thư dạ dày tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Để Tầm soát bệnh lý về dạ dày người bệnh sẽ được tiến hành kiểm tra các vấn đề sau:

Nội soi dạ dày: Đây là phương pháp kiểm soát bằng kỹ thuật dẫn một đường ống vào bên trong dạ dày thông qua cửa miệng. Chiếc ống sẽ được trang bị camera và đèn để khi đưa vào thực quản xuống dạ dày sẽ thấy được các bộ phận bên trong cơ thể.

Sinh thiết: Trong quá trình nội soi dạ dày phát hiện thấy một số bộ phận bất thường, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu mô nhỏ tại vị trí đó ra khỏi cơ thể. Sau đó tiến hành phân tích dưới kính hiển vi và xác định mẫu mô nhỏ đó lành tính hay ác tính. 

Chụp cắt lớp dạ dày: Đây là hình thức kiểm tra dưới dạng hình ảnh thông qua phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT) và PET-CT. Bác sĩ sẽ dựa vào hình ảnh đó để chẩn đoán và xác định tế bào ung thư đã di căn đến bộ phận khác hay chưa. 

Bên cạnh đó bác sĩ cũng thực hiện một số phương pháp kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (hay còn gọi là vi khuẩn HP) khác như kiểm tra qua hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm mẫu sinh thiết dạ dày và một số xét nghiệm cần thiết khác. 

2. Tầm soát ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng được phát hiện sớm sẽ mang lại cơ hội kéo dài sự sống càng cao cho người mắc bệnh. Tại Việt Nam đây là căn nguyên chính gây tử vong đứng thứ 5 cực kỳ đe dọa đến mạng sống của mọi người. Ở giai đoạn đầu ung thư đại tràng thường sẽ phát triển chậm hơn, tỷ lệ sống trên 5 năm khi được điều trị qua từng giai đoạn như sau: Giai đoạn I khoảng trên 90%, giai đoạn II khoảng 80% đến 83%, giai đoạn III khoảng 60% và giai đoạn nguy hiểm nhất chỉ còn khoảng 11%.


Nội soi đại tràng tầm soát ung thư đại tràng tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Ung thư đại tràng thường sẽ phát triển dựa trên sự phát triển của polyp tiền ung thư. Có hai loại polyp là polyp chính và polyp tăng sinh. Ung thư đại tràng được tiến hành các kỹ thuật kiểm tra cận lâm sàng như sau:

Nội soi đại tràng: Thông qua nội soi, bác sĩ có thể quan sát thấy polyp và một số vùng bất thường hoặc dấu hiệu ung thư. Từ đó lấy các mẫu mô đó để làm sinh thiết. 

Sinh thiết: Dưới ống kính hiển vi bác sĩ phẫu thuật sẽ quan sát và tìm ra các tế bào ác tính xuất hiện bên trong cơ thể. 

Xét nghiệm máu trong phân: Phân xuất hiện máu là do gặp phải polyp, ung thư hay một số bệnh lý nguy hiểm khác xuất hiện bên trong đại tràng. 

Siêu âm ổ bụng: Đường tiêu hóa là một cản trở lớn đối với việc siêu âm ổ bụng để kiểm tra ung thư đại tràng cho bệnh nhân. Nhưng không phải vì vậy mà việc siêu âm này trở nên dư thừa vì bác sĩ có thể phát hiện một số dấu hiệu gián tiếp cảnh báo bệnh như tắc ruột, thành đại tràng dày bất thường,...

Chụp CT cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ MRI: Kiểm tra chính xác mức độ xâm lấn của các tế bào ung thư đại trạng, đo lường kích thước và hình dạng của khối u bên trong.

Căn nguyên của ung thư đại tràng là quá trình sinh sôi nảy nở của polyp qua thời gian dài. Vì vậy trong quá trình tầm soát ung thư đại tràng bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ polyp để ngăn ngừa những biến chứng và di căn đến các bộ phận khác. 

3. Tầm soát ung thư phổi 

Để Tầm soát ung thư phổi người bệnh sẽ được kiểm tra bằng các phương thức:

Chụp CT ngực liều thấp (không sử dụng thuốc cản quang): Liều tia hấp thụ sẽ thấp hơn chuẩn chụp CT scan thông thường. Phương thức này sẽ xuất hình ảnh 3D để bác sĩ có thể quan sát rõ hơn các bộ phận bên trong mà chụp X-quang ngực thẳng không thể thấy. Nếu nghi ngờ vị trí nào đó xuất hiện tổn thương bất thường có thể tiến hành tiêm thuốc cản quang để kiểm tra. 


Chụp CT phổi Tầm soát ung thư phổi.

CT scan cản quang và/hoặc PET/CT: Sẽ được chỉ định kiểm tra khi phát hiện các nốt bất thường từ 7 đến 10mm ở phổi. 

Sinh thiết nốt bất thường ở phổi: Dựa trên phim chụp được qua CT scan có thuốc cản quang và/hoặc PET/CT bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết để xác định chính xác nốt bất thường đó có phải là nguyên nhân gây ung thư phổi hay không. 

4.Tầm soát ung thư gan

Nếu ung thư gan được phát hiện ở giai đoạn muộn sẽ khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị cũng như tốn nhiều chi phí hơn. Tầm soát ung thư gan được tiến hành càng sớm sẽ càng tốt hơn cho quá trình điều trị kịp thời và đề phòng các biến chứng nguy hiểm về sau. 

Tầm soát ung thư gan bao gồm các phương tiện kiểm tra cận lâm sàng sau đây:

Xét nghiệm AFP trong máu: Ung thư gan có thể đến từ việc phát hiện chỉ số AFP trong máu cao, tuy nhiên không phải ai cũng có chỉ số AFP cao khi mắc bệnh ung thư gan.


Xét nghiệm máu Tầm soát ung thư gan.

Chẩn đoán bệnh qua hình ảnh: Người bệnh sẽ được thực hiện siêu âm vùng bụng, chụp CT và MRI gan/ vùng bụng để tìm ra khối u ác tính cũng như đánh giá mức độ lây lan ảnh hưởng bởi căn bệnh ung thư gan.

Sinh thiết khối u có nghi ngờ là ung thư gan: Bác sĩ sẽ quan sát và phân tích mẫu u gan dưới kính hiển vi để chẩn đoán bệnh. Mẫu u gan có thể được lấy ra bằng phương pháp đâm kim qua da khi siêu âm hoặc sinh thiết khi làm phẫu thuật. 

5. Tầm soát ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung luôn là mối đe dọa đến sức khỏe của các chị em. Số ca tử vong khoảng 250.000 trong số hơn 500.000 ca mắc mới mỗi năm trên thế giới (theo thống kê từ WHO). Dự kiến con số tử vong sẽ vẫn tiếp diễn tăng cao lên đến 400.000 ca đến năm 2030. 

Để tầm soát ung thư cổ tư cung người bệnh sẽ được thực hiện các phương pháp phổ biến sau:

Phết tế bào cổ tử cung (Pap’smear hay ThinPrep): Dưới kính hiển vi, các tế bào được lấy ra từ cổ tử cung sẽ được đem đi phân tích và chẩn đoán xem nó có lành tính hay không. Đối với người chưa từng quan hệ tình dục thì việc phết tế bào cổ tử cung sẽ không cần phải tiến hành. Nhưng một số trường hợp chảy máu bất thường thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn kịp thời. 

Xét nghiệm HPV: Các virus HPV gây ảnh hướng lớn đến việc dẫn đến tình trạng ung thư cổ tử cung. Lúc này người bệnh sẽ cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ để được đặt lịch khám phụ khoa định kỳ dựa vào độ tuổi và kiểm tra các nguy cơ gây hại khác. 

Soi cổ tử cung: Thông qua hình ảnh phòng đại bác sĩ có thể xem được cổ tử cung một cách rõ ràng nhất. Nếu xác định điều bất thường xảy ra bên trong sẽ tiến hành sinh thiết. 

Khoét chóp cổ tử cung: Thủ thuật này được thực hiện bằng cách cắt một phần ở chóp cổ tử cung để kiểm tra dưới kính hiển vi. 

Lưu ý: Dựa vào độ tuổi và lịch sử bệnh của từng cá nhân khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm phù hợp khác nhau.

6. Tầm soát ung thư vú

Những người phụ nữ trên 40 tuổi nên chủ động đi tầm soát vú đều đặn mỗi năm cũng như tự bản thân kiểm tra hằng tháng để có thể kịp thời phát hiện điều bất thường. Nếu không may gặp phải khối u ác tính sớm cũng sẽ dễ dàng điều trị hơn. Phụ nữ ở độ tuổi từ 40 - 49 nên chụp nhũ ảnh hằng năm và đối với người trên 50 là 1 đến 2 lần mỗi năm. 

Một số phương pháp tầm soát vú ở phụ nữ là:

Siêu âm tuyến vú.

Chụp X-Quang tuyến vú.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú.

Xét nghiệm sinh thiết hoặc giải phẫu bệnh để xác định và làm rõ khối u ác tính kịp thời. 

7. Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến

Nam giới trên 50 tuổi nên đi tầm soát tuyến tiền liệt vì đây là độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao. Một số phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư là:

Khám trực tràng bằng tay: Được thực hiện đầu tiên nhằm đưa ra chẩn đoán nếu có xuất hiện các vùng cứng, sần sùi hay bất thường gì không.

Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA) có trong máu: Dấu hiệu nhận biết người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường đến từ việc phát hiện sự gia tăng đột ngột của lượng PSA có trong máu. Vì PSA là chất được tạo ra từ các tế bào tuyến tiền liệt bình thường và ác tính. 

Chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu: Hình ảnh được chiết xuất từ vùng chậu sẽ giúp chẩn đoán được sự lây lan từ bệnh ung thư tuyến tiền liệt, sự di căn và xâm lấn của các hạch bạch huyết xung quanh và ảnh hưởng đến xương vùng chậu. 

Chụp xạ hình xương: Kiểm tra mức độ di căn của ung thư đến tận xương hay chưa, vì xương là bộ phận phổ biến chịu ảnh hưởng nguy hiểm từ ung thư tuyến tiền liệt.

Sinh thiết: Lấy mẫu mô hoặc dịch ở vị trí tuyến tiền liệt để việc phân tích dưới kính hiển vi chính xác hơn về chẩn đoán tế bào đó có ác tính hay không. 

Khách hàng có nhu cầu tầm soát hoặc tư vấn về các loại ung thư vui lòng liên hệ qua tổng đài CSKH:  1900.96.96.94

Minh Khương