Phát triển vaccine điều trị và ngăn ngừa ung thư não

  • 2023/01/16 01:29

Các nhà khoa học Mỹ đang phát triển một loại vaccine giúp loại bỏ khối u đã hình thành và tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài có thể ngăn ngừa ung thư não tái phát.

Vaccine ung thư không phải là một ý tưởng mới và cũng sử dụng các nguyên tắc cơ bản để tạo ra vaccine cho mầm bệnh truyền nhiễm như virus và vi khuẩn, giúp hệ thống miễn dịch của chúng ta nhận biết và tấn công thứ gì đó có hại cho cơ thể.


Các nhà khoa học phát triển vaccine cho những người đang chiến đấu với bệnh ung thư não.

Nhưng ung thư phát sinh từ chính các tế bào của cơ thể, điều đó có nghĩa là các khối u có thể rất khác nhau giữa mỗi cá nhân và ngay cả trong chính cơ thể. Vì vậy, các nhà khoa học đã cố gắng tập trung triển khai vaccine ung thư để ngăn chặn loại ung thư nguy hiểm nhất, ung thư não, trước khi hoàn thiện vaccine ung thư phổ quát. 

Mới đây, các nhà khoa học Đại học Harvard và Bệnh viện Bringham, Mỹ, đã phát triển một loại vaccine có thể ngăn chặn u nguyên bào thần kinh đệm, một dạng ung thư não gây chết người. Thử nghiệm trên mô hình chuột thí nghiệm bị u nguyên bào thần kinh đệm, vaccine tác dụng kép này đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn.

Nhóm của chúng tôi đã theo đuổi một ý tưởng là lấy tế bào ung thư và biến chúng thành thuốc diệt ung thư và vaccine. Sử dụng kỹ thuật gen, chúng tôi đang tái sử dụng các tế bào ung thư để phát triển một liệu pháp tiêu diệt các tế bào khối u và kích thích hệ thống miễn dịch tiêu diệt các khối u và ngăn ngừa ung thư, tác giả nghiên cứu, TS Khalid Shah, Giám đốc Trung tâm Tế bào gốc và Liệu pháp Miễn dịch Bệnh viện Brigham và giảng viên tại Trường Y Harvard, cho biết.

Cách tiếp cận mà TS. Shah và các đồng nghiệp của ông đã thực hiện là khác biệt. Thay vì sử dụng các tế bào khối u đã bất hoạt, nhóm nghiên cứu đã tái sử dụng các tế bào khối u sống.

Nhóm của ông đã thiết kế các tế bào khối u sống bằng cách sử dụng công cụ chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 và tái sử dụng chúng để giải phóng chất tiêu diệt tế bào khối u.

Ngoài ra, các tế bào khối u đã được xử lý công nghệ được thiết kế để biểu hiện các yếu tố giúp hệ thống miễn dịch dễ dàng phát hiện, gắn thẻ và ghi nhớ, chuẩn bị cho hệ thống miễn dịch phản ứng chống khối u lâu dài.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên các chủng chuột khác nhau, bao gồm cả chủng mang tế bào tủy xương, gan và tuyến ức có nguồn gốc từ người, mô phỏng môi trường vi mô miễn dịch của con người. Nhóm của TS. Shah cũng xây dựng một liệu pháp tác dộng kép hai lớp trong tế bào ung thư. Liệu pháp tế bào tác động kép này an toàn, có thể áp dụng và hiệu quả trong các mô hình này, gợi ý một lộ trình hướng tới liệu pháp điều trị trên người. 

TS. Shah cho biết: Mục tiêu của chúng tôi là thực hiện một cách tiếp cận sáng tạo để có thể phát triển được một loại vaccine trị liệu, tiêu diệt ung thư mà cuối cùng sẽ có tác động lâu dài trong y học. Chiến lược điều trị này có thể áp dụng cho nhiều loại khối u rắn.

Sẽ cần nhiều thử nghiệm hơn để thực sự biến phương pháp này thành một phương pháp điều trị khả thi cho những người đang chiến đấu với bệnh ung thư não. Những phát hiện này là một bước tiến ấn tượng, đối với cả phương pháp điều trị ung thư cũng như những đột phá do công nghệ CRISPR hỗ trợ.

Theo SKĐS