Ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ
Những năm gần đây Quảng Ninh trở thành một điển hình sáng giá trong hành trình chuyển đổi số ngành Y tế. Từ những trạm y tế xã vùng sâu đến bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, từng bước số hóa quy trình khám, chữa bệnh, không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Điều dưỡng viên Bệnh viện Bãi Cháy sử dụng xe tiêm để lấy thông tin cấp, phát thuốc, tiêm cho bệnh nhân một cách chính xác nhất.
Theo ông Trịnh Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế: Ứng dụng công nghệ số trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Sở và các đơn vị y tế trên địa bàn xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2023 Sở Y tế phối hợp cùng VNPT và VNISA triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử tại 100% trạm y tế xã, phường. Tính đến hết quý I/2025, hồ sơ sức khỏe điện tử của tỉnh đã lưu trữ thông tin của 1.378.023 người dân, đạt 97%. Điều này góp phần rút ngắn thời gian tra cứu lịch sử bệnh án từ 10 phút xuống còn chưa đầy 1 phút; rút ngắn tổng thời gian khám, chữa bệnh mỗi lượt khoảng 20%.
Các đơn vị y tế tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý thông tin khám, chữa bệnh (HIS/LIS/PACS/EMR) tại các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám, đáp ứng các tiêu chí xây dựng bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ theo quy định. Đến nay Quảng Ninh có 22 đơn vị y tế áp dụng bệnh án điện tử; trong đó có 20 bệnh viện và trung tâm y tế công lập, 1 phòng khám, 1 bệnh viện tư nhân. Chi phí lưu trữ giấy tờ tại các đơn vị qua đó giảm 60%.
Các đơn vị y tế của tỉnh tăng cường lắp đặt các "Kiosk y tế thông minh" nhằm giảm áp lực tại quầy tiếp đón và nâng cao trải nghiệm dịch vụ, tạo môi trường thân thiện, tiện lợi cho người dân. Đến cuối năm 2024 toàn tỉnh lắp đặt được 55 Kiosk. Trong năm 2025, HD Bank tài trợ lắp 75 Kiosk y tế thông minh tại 20 cơ sở y tế trên địa bàn. Quý I/2025 toàn tỉnh có hơn 180.000 lượt bệnh nhân sử dụng Kiosk để tự khai thông tin, tra cứu quyền lợi BHYT qua CCCD gắn chip và nhận số thứ tự khám bệnh.
Ngành Y tế tỉnh chú trọng xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa qua ứng dụng Vtleheath. Đến thời điểm hiện tại có 63 cơ sở công bố đủ điều kiện. Đến giữa tháng 2/2025 toàn tỉnh đã có 111.873 người dân cài đặt ứng dụng, 94.437 tài khoản được tạo; 1.557 phiên hỗ trợ tư vấn sức khỏe qua ứng dụng.
Người dân lấy số thứ tự đăng ký khám chữa bệnh qua kiosk tự phục vụ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Ngọc Trâm
Các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tăng cường kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương trong hội chẩn từ xa. Năm 2024 có 214 lượt hội chẩn tuyến tỉnh với tuyến trung ương, 53 lượt hội chẩn tuyến huyện với tuyến trung ương, 1.297 lượt hội chẩn tuyến huyện với tuyến tỉnh qua Telehealth được thực hiện. Đảm bảo an ninh mạng trong chuyển đổi số y tế, riêng quý I/2025 đã phát hiện và vô hiệu hóa 7 cuộc tấn công mã độc, đảm bảo an toàn cho hơn 1,2 triệu hồ sơ kỹ thuật số. Từ năm 2023 đến nay, hơn 100 khóa đào tạo về EMR, Telehealth và phân tích dữ liệu sức khỏe, thu hút hơn 5.000 lượt cán bộ y tế tham gia. Qua đó giúp đội ngũ y, bác sĩ tự tin vận hành hệ thống số, ứng dụng dữ liệu vào công tác dự báo và quản lý dịch bệnh.
Ngành Y tế tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 hoàn thiện liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 100%, đảm bảo mọi thông tin y tế cá nhân được cập nhật và đối chiếu liên tục. Đồng thời ngành mở rộng Telehealth đến 100% xã, phường, nâng cấp nền tảng hỗ trợ đa kênh, bao gồm ứng dụng di động và chatbot tư vấn y tế 24/7; thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ sàng lọc, chẩn đoán hình ảnh và phân tích big data để dự báo nhu cầu y tế, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh..., tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thu Nguyệt - Báo Quảng Ninh